Hưng Yên là 1 tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng – vùng đất được sông Hồng bồi đắp tạo nên nền văn minh lúa nước lâu đời bậc nhất ở nước ta. Không nổi bật với cảnh sắc hùng vĩ, độc đáo mà mảnh đất này có non nước hữu tình, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc từ thời xa xưa.
Chùa Nôm là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở phố Hiến vẫn lưu giữ được nét kiến trúc cổ xưa - thuộc xã Đại Đồng, Văn Lâm – là điểm du lịch Hưng Yên đầu tiên mà các bạn nên đến. Ngay khi bước đến cổng làng Nôm, bạn sẽ có ngay ấn tượng về ngôi làng cổ xưa với nếp nhà xưa, mái đình rêu phong, giếng nước, cây đa,….
Đến với chùa Nôm các bạn nên biết trước phong tục nơi đây như: nên ghé qua đình Tam Giang thắp nén hương để cầu may, tiếp đó bước qua 9 nhịp cầu phiến đá xanh bắc qua dòng sông Nguyệt Đức để đến với ngôi chùa linh thiêng. Chùa Nôm mang không gian yên bình, vẻ đẹp kỳ bí của những pho tượng linh thiêng trải qua bao năm tháng.
Chùa Nôm có 122 pho tượng phật lớn, nhỏ làm bằng đất nung. Những cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt được khắc vô cùng sinh động. Trong vườn chùa có rất nhiều hoa mẫu đơn, hoa hồng, hoa đại… càng tăng thêm không gian yên tĩnh, nét cổ kính của ngôi chùa.
Vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đây sẽ long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vị Thành hoàng làng Đức Thánh Tam Giang –vị tướng tài giỏi thời Hai Bà Trưng… nên các bạn có thể đến vào đúng dịp lễ này.
Điểm du lịch Hưng Yên thứ 2 mà bạn nên ghé thăm đó là làng nghề đúc đồng Lộng Thượng nay thuộc Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên – làng nghề lâu đời bậc nhất về nghề đúc đồng.
Từ xa xưa ở nước ta có rất nhiều làng nghề đúc đồng ở nhiều tỉnh thành trong nước. Tuy nhiên mỗi làng nghề lại mang theo 1 câu chuyện hình thành cũng như có nền tảng khác nhau. Theo sách sử đề cập, ông tổ nghề đúc đồng ở Lộng Thượng là Khổng Minh Không – Quốc sư triều Lý thế kỷ thứ XII, ông ghé thăm nơi đây và truyền lại nghề đúc đồng cho dân làng. Từ đó đến nay nghề vẫn được lưu truyền qua các đời con cháu trong làng.
Làng đúc đồng Lộng Thượng tạo ra các sản phẩm nổi tiếng như: lọ hoa, đỉnh đồng, lư hương,... Từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ, đến giờ sản phẩm vẫn lưu giữ được nét đẹp xưa của chốn kinh thành Thăng Long.
Câu truyện mà các bạn đã từng đọc qua ở lớp 3 về chàng Chử Đồng Tử - 1 chàng trai nghèo không có khố để mặc nên duyên với công chúa Tiên Dung – con gái vua Hùng thứ 18 làm cảm động lòng người. Được truyền đời từ bao thế hệ và có rất nhiều nơi thờ Chử Đồng Tử nhưng gốc rễ ở ngay mảnh đất Hưng Yên giàu truyền thống này – là điểm thứ 3 nên ghé thăm khi các bạn du lịch Hưng Yên.
Hiện nay ở huyện Khoái Châu – Hưng Yên có 2 ngôi đền thờ Chử Đồng Tử. Một ngôi đền nằm ở thôn Đa Hòa, Bình Minh - bên dòng sông Hồng nhìn thấy bãi Tự Nhiên – nơi đầu tiên Chử Đồng Tử nên duyên với công chúa Tiên Dùng. Ngồi đến thứ 2 nằm ở thôn Yên Vĩnh, Dạ Trạch - nơi Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung bay về trời.
Lễ hội Chử Đồng Tử tổ chức ngày 10/2-12/2 âm lịch hàng năm ở cả 2 ngôi đền này. Các bạn có thể đến nơi đây dâng hương, ngắm cảnh vật hữu tình như trong câu chuyện cảm động của chàng Chử, nàng Tiên Dung và nghe các cụ trong làng kể về lịch sử ngôi đền.
Chùa Chuông - Phố Hiến – điểm đến thứ 4 khi du lịch Hưng Yên - là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hóa thời kì hậu Lê – sẽ mang đến cho các bạn sự thanh tịnh, thư giãn trong tâm khi ghé thăm ngôi chùa.
Vào năm 1992, chùa Chuông được nhà nước ghi nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc. Trải qua nhiều tháng năm lịch sử cùng dân tộc, chùa đã được tu sửa, tôn tạo lại nhưng chùa vẫn giữ được lối kiến trúc thời Lê xa xưa. Chùa Chuông còn có tên khác là Kim Chung Tự (chùa Chuông Vàng) đã gắn với một truyền thuyết xưa: Vào 1 năm lũ lớn có một quả chuông trôi đến thôn Nhân Dục. Chuông thời xưa như vật linh thiêng nên được nhiều nơi muốn mang về nhưng không ai kéo chuông lên được nhưng khi bô lão ở thôn Nhân Dục cầu trời thì lại kéo lên được.
Như tín vật trời ban, người dân đã xây dựng lại ngôi chùa và xây thêm lầu để treo chuông. Tiếng chuông khi gõ có thể vang hàng trăm vạn dặm nên người dân cũng có tên gọi cho ngôi chùa là Chuông Vàng
Ghé thăm nơi đây các bạn như gột bỏ đi những toan tính thế thường cõi trần, 1 lòng hướng tới Phật pháp, cho tâm thanh tịnh, 1 lòng hướng thiện, hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Người dân ở đây thường nói nếu du lịch Hưng Yên mà chưa đến hồ Bán Nguyệt thì cũng như chưa đến nơi đây - là thắng cảnh tự nhiên ban tặng nơi đây – là trái tim của mảnh đất Hưng Yên.
Hồ Bán Nguyệt là khúc sông Hồng bỏ lại khi chuyển dòng tạo nên 1 hình bán nguyệt – y như cái tên của hồ. Dân gian từng ví von, Hồ Bán Nguyệt là mảnh gương mà chị Hằng đánh rơi xuống trần gian. Hồ nằm giữa phố phường sầm uất và đê sông Hồng, mặt hồ trong xanh với những rặng cây ven hồ càng làm nên vẻ nên thơ của nó.
Hồ Bán Nguyệt không chỉ thơ mộng mà còn là chốn tâm linh khi ven hồ là đền Mẫu thờ Dương Quý Phi và đền Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị đức thánh của dân tộc.
Nếu bạn là người yêu thích những dòng lịch sử của dân tộc, muốn khám phá những di tích mà ông cha để lại thì du lịch Hưng Yên là điểm đến tuyệt vời dành cho bạn.